Trà thảo mộc - "Thuốc quý" từ thiên nhiên


(Sẻ Xanh) - Những người có thói quen uống trà thảo mộc có thể đã không để ý đến những lợi ích của trà mang lại. Nhiều ý kiến gần đây cho rằng trà thảo mộc có tác dụng tốt đối với sức khỏe chứ không đơn thuần chỉ là nhu cầu thưởng thức.

Được sự tài trợ của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các nhà khoa học gồm Diane McKay và Jeffrey Blumberg thuộc Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng Cao niên tại trường đại học Tufts ở Boston, Massachusetts đã tìm ra các bằng chứng khoa học về tác dụng có lợi cho sức khỏe của một số loại trà thảo mộc phổ biến ở Mỹ, điển hình là trà hoa cúc (chamomile tea), trà bạc hà (peppermint tea) và trà hoa dâm bụt (hibiscus tea).

Trà hoa cúc
tra-thao-duoc-thuoc-quy-tu-thien-nhien1

Trà hoa cúc được biết đến như một loại đồ uống có tác dụng an thần, giúp ngủ tốt và thư giãn. Mặc dù chưa có các kết quả thí nghiệm lâm sàng trên người giải thích cho tác dụng an thần nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa một tài liệu đánh giá về những phát hiện khác ngoài tác dụng này, các bằng chứng dựa trên việc thử nghiệm trong ống nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn trung bình và khả năng ngăn ngừa các tiểu cầu vón cục hình thành máu đông của trà hoa cúc.

Trà bạc hà

Những thí nghiệm trên động vật đã cho thấy trà bạc hà có tác dụng gây tê và giảm đau ở hệ thống thần kinh trung ương. Họ cũng đưa ra các bằng chứng về hoạt tính kháng khuẩn và kháng virut khi tiến hành nghiên cứu trong ống nghiệm, hoạt tính chống oxy hóa mạnh, ức chế khối u và tiềm năng chống dị ứng của trà bạc hà.

tra-thao-duoc-thuoc-quy-tu-thien-nhien2
Các tác giả không tìm thấy có nghiên cứu trên người về tác dụng của trà bạc hà với sức khỏe, tuy nhiên đã có một vài phân tích bàn luận về tác dụng của dầu bạc hà.

Trong một phân tích được đăng trên Tạp chí Y tế Anh số ra tháng 12/2008, các nhà khoa học đã cho thấy trà bạc hà có tác dụng làm dịu nhẹ triệu chứng IBS - hội chứng ruột kích thích, hội chứng rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Họ nhận thấy những biện pháp đơn giản này đôi khi không được chú ý bằng những phương thuốc mới đắt tiền.

Trà hoa dâm bụt

tra-thao-duoc-thuoc-quy-tu-thien-nhien3

McKey đã tiến hành nghiên cứu trên 65 người bị cao huyết áp nhẹ hoặc "tiền-cao huyết áp", tuổi từ 30 đến 70 và có mức huyết áp cao hơn 120/80. Trong 6 tuần nghiên cứu, những người này vẫn duy trì các hoạt động thể chất và thói quen ăn uống bình thường. Một nhóm được uống 3 tách trà hoa dâm bụt mỗi ngày và nhóm còn lại uống trà hương dâm bụt. Kết thúc 6 tuần, nhóm được uống trà từ hoa dâm bụt có huyết áp tâm thu giảm 7,2 mm Hg và nhóm còn lại có huyết áp thay đổi 1,3 mm Hg.
Ở phân tích thứ hai, trong những người có huyết áp cao nhất (129 hoặc hơn), nhóm uống trà đã có đáp ứng rất đáng kể là giảm 13,2 mm Hg ở huyết áp tâm thu và nhóm còn lại có huyết áp thay đổi 4,2 mm Hg.

Trong một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Tạp chí Cao Huyết áp, trà hoa dâm bụt đã có tác dụng hạ huyết áp với những bệnh nhân tiểu đường type 2 và được so sánh với trà đen. Ngoài ra còn có những nghiên cứu khác so sánh trà hoa dâm bụt với thuốc hạ huyết áp lisinopril và captopril. Kết quả cho thấy trà hoa dâm bụt có tính lợi tiểu bên cạnh những tác dụng khác giống như của hai loại thuốc trên trong việc chuyển hóa angiotensin (một loại protein gây co thắt mạch máu và tăng huyết áp) ở thận.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng tác dụng có lợi cho sức khỏe của ba loại trà phổ biến trên cần được tiếp tục nghiên cứu.




Bình luận có hiển thị facebook của bạn trên sexanh.com

 

Khách ghé thăm

Flag Counter

Tìm kiếm trên sexanh.com

© 2010. Góp ý bài viết: comment trên trang Sẻ Xanh.com. Góp ý khác gửi mail cho Sẻ Xanh