Triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp


(Sẻ Xanh) - Ngày 30-12, triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bộ Thông tin - truyền thông, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức đã khai mạc tại Bảo tàng Quảng Bình.




Đông đảo người dân Quảng Bình xem triển lãm về đại tướng

Gần 200 bức ảnh khổ lớn tại triển lãm được in từ cuốn sách ảnh Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp phần nào khái quát chặng đường tham gia cách mạng và đời thường của đại tướng.

Với tấm lòng kính yêu vị đại tướng là người con của quê hương mình, ngoài các cựu binh còn có rất đông các bạn trẻ háo hức xem ảnh từ khi triển lãm chưa tới giờ khai mạc.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5-1-2012.

L.Giang


Xem tiếp


Thị trường lịch 2012 khởi động chậm, sức mua yếu


(Sẻ Xanh) - Từ vài tháng nay, các hiệu sách, cửa hàng phân phối lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ngập tràn sắc đỏ của nhiều loại lịch. Tuy nhiên không khí giao-nhận hàng đến thời điểm này mới bắt đầu nhộn nhịp.

Dù vậy, sức mua hiện tại được đánh giá là giảm đáng kể so với các năm trước.




Khởi động chậm

Đó là nhận định của hầu hết các nhà phát hành, kinh doanh lịch về thị trường lịch năm nay. Vì tính đến thời điểm này, đối tượng khách hàng lớn của các nhà làm lịch là những doanh nghiệp, cơ quan đã đặt lịch trễ đến gần 2 tháng so với những năm trước đây. Dẫn đến hiện tượng này có thể do ảnh hưởng của biến động giá cả khiến thị trường chìm dần, các nhà làm lịch thì cầm chừng không sản xuất nữa vì sợ thời gian không còn kịp, do đó khối lượng lịch có phần hạn chế.

Trong khi đó, theo quy định của Hội Xuất bản Việt Nam, mùa lịch 2012 cả nước sẽ sản xuất 17 triệu bloc lịch các loại, mỗi nhà xuất bản không được sản xuất vượt định mức 280.000 bản lịch. Hơn nữa, để những bloc lịch ấy ra đời phải trải qua nhiều công đoạn, để hoàn thành 100.000 bloc lịch cũng mất hơn nửa tháng, đợi đến ngày lịch ra “lò” thì biết bán cho ai…

Theo các nhà sản xuất lịch, việc phát hành lịch năm nay trễ hơn so với các năm do việc cấp giấy phép quá muộn của Cục Xuất bản và Hội Xuất bản trong khi mọi năm cuối tháng Bảy năm nay và đầu tháng Tám đã xong xuôi hết rồi. Năm nay là một mùa lịch ít sôi động, đến giữa tháng 11 vừa qua mới có dấu hiệu chuyển động. Trong khi mọi năm chỉ mới đầu tháng Chín, tháng Mười thị trường đã bắt đầu “nóng,” thậm chí có đơn vị còn “cháy” hàng.

Khảo sát tại nhiều nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 3, Trần Hưng Đạo thuộc quận 1, Hải Thượng Lãn Ông của quận 5, Lê Hồng Phong ở quận 10... Thị trường lịch năm nay không có nhiều mẫu lạ lẫm nhưng có nhiều mẫu mã phong phú như lịch 3D, lịch rút, lịch khắc chữ nổi bằng các chất liệu giả ngọc, mạ vàng, nhung hay bìa ván ép, bìa camposite… Đặc biệt, lịch bloc 2012 có điểm khác so với các năm trước là có dán tem kỹ thuật số của Cục Xuất bản trên các sản phẩm để tránh hàng giả, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm “chính hãng.”

Theo Bà Phạm Thị Thủy, Chủ nhà sách Phạm Thủy, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, mùa lịch năm nay khởi động chậm, so với năm ngoái thì đầu tháng 10 đã khởi động nhưng đến năm nay đến khoảng giữa tháng 11 mới vào mùa và bắt đầu nhộn nhịp. Do lượng khách từ các tháng trước dồn lại nên thời điểm hiện tại mức độ khách hàng đặt lịch số lượng lớn vẫn còn cao và sẽ kéo dài đến giữa tháng 12/2011.

Tuy nhiên lượng đặt hàng của các công ty thời điểm này thấp hơn 30% so với năm trước do giá thành cao, kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu và chuyển sang những món quà tặng khác. Hiện tại khách đến mua lẻ cũng khá thưa thớt nhưng càng về cuối năm khả năng sẽ tăng càng tăng lên vì lịch là mặt hàng không thể thiếu khi năm mới đang đến gần.

Giải thích về việc thị trường lịch năm nay khởi động chậm, bà Thủy cho rằng do giá lịch năm nay cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái cộng với mức chiết khấu bán ra thị trường giảm nên thời gian đầu khách hàng đến chủ yếu để thăm dò giá cả, mẫu mã.

Hàng lạ cũng khó “hút” khách

Năm nay, cũng có một vài đơn vị phá cách bằng cách cho ra đời nhiều “món” lạ để làm mới thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, nhưng dù quen hay lạ, thị trường lịch năm nay vẫn bị nhiều đơn vị kinh doanh đánh giá là ế hàng. Chẳng hạn như bộ tranh lịch bloc của Công ty Gia Long không chỉ đơn thuần là chức năng dùng để xem lịch mà còn là một bức tranh trang trí, với thiết kế chỉ cần ấn tay vào và rút nhẹ vào để thay đổi ngày tháng mà không cần phải xé.

Đại diện nhà sách Khải Hoàng cho biết mẫu lịch này có thiết kế mới lạ khiến nhiều khách hàng thích thú nhưng giá tương đối cao, dao động từ 200.000-600.000 đồng/bộ tùy mẫu mã và chất liệu nên khách hàng còn chần chừ khi đặt mua; đặc biệt rất ít khách hàng đặt mua số lượng lớn, chủ yếu là khách lẻ mua để làm quà biếu, tặng.

Theo ông Trần Nhạn, Chủ hiệu sách Minh Trung, hiện tại cũng có nhiều công ty đến đặt lịch nhưng họ thường “chẻ” nhỏ ra mỗi loại chừng vài trăm cuốn trong khi các năm trước lượng đặt đến cả nghìn cuốn. Loại lịch bloc giá từ 60.000 đồng/cuốn trở xuống như: bloc trung màu và bloc đại được khách hàng chuộng nhất, còn những loại bloc giá trị lớn hơn bán rất chậm.

Loại lịch gắn lò xo 5-7 tờ về những chủ đề văn hóa, lịch sử, cảnh đẹp quê hương… mọi năm bán rất chạy nhưng năm nay tiêu thụ khá chậm có thể do giá thành tăng. “Điều này một phần do giá giấy và chi phí in ấn tăng nhưng theo tôi chủ yếu là do việc xin giấy phép khó khăn nên các nhà làm lịch không phát hành rầm rộ và thoải mái như trước.

Năm nay Cục Xuất bản quy định số lượng phát hành nhưng cho phép khối doanh nghiệp tư nhân liên kết với nhau trong sản xuất lịch nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn về mẫu mã, tuy nhiên sức mua vẫn không khá hơn," ông Nhạn giải thích.

Nhiều nhà sách kỳ vọng lượng khách lẻ sẽ tăng dần lên càng về cuối mùa lịch, do thói quen của người tiêu dùng Việt Nam là thường tìm mua cuốn lịch đẹp, ưng ý để treo trong nhà hay dành tặng người thân, bạn bè vào dịp cuối năm.

Chị Nguyễn Hồng Phượng đến tham khảo lịch tại hiệu sách Phạm Thủy cho biết năm nào cũng đi mua lịch treo trong nhà và dành tặng bạn bè nhưng thường đến cuối năm tôi mới đi mua vì càng về cuối càng có nhiều mẫu để lựa chọn hơn. Giá lịch năm nay nhỉnh hơn mọi năm.

Nhìn chung, giá các loại lịch năm nay hầu hết đều tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Theo đó, tùy theo kích thước mà giá lịch blog có giá khác nhau như Lịch Bloc trung giá từ 18.000-35.000 đồng/cuốn; Bloc đại giá 60.000-70.000 đồng/cuốn; Bloc siêu đại giá 220.000 đồng/cuốn; Bloc cực đại giá từ 290.000-360.000 đồng/cuốn; cao nhất là Bloc siêu cực đại giá 560.000 đồng/cuốn. Các loại lịch tờ (5-7 tờ) có giá từ 16.000-35.000 đồng/cuốn; lịch bàn chữ A có giá từ 25.000-30.000 đồng/cuốn tùy loại./.


Việt Âu


Xem tiếp


Giá trị lịch sử của di tích và lễ hội chùa Keo


(SeXanh) – Chùa Keo, còn gọi là Thần Quang tự, thờ thiền sư Không Lộ, tọa lạc trên một mảnh đất rộng chừng năm mẫu (khoảng 2ha) thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.


Thiền sư Dương Không Lộ là một vị cao tăng thời Lý, có công lớn trong việc du nhập và hoằng dương Phật pháp vào Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng. Do nhiều nguyên nhân, các nguồn tư liệu viết về thiền sư Dương Không Lộ thật khan hiếm đã gây nên sự nhầm lẫn về tiểu sử và hành trạng của Dương Không Lộ. Thiền sư không được chính sử ghi chép một cách chính xác, cẩn thận giống như nhiều nhân vật lịch sử khác, kể cả Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử lược, là hai bộ sử cổ nhất, cũng không ghi chép rõ ràng về thiền sư Không Lộ. Tuy nhiên, không chỉ ở chùa Keo làng Hành Thiện, Nam Định và chùa Keo làng Dũng Nhuệ, Thái Bình thờ Không Lộ mà hiện nay còn nhiều di tích khác như chùa Am (Thái Bình), làng Đức Thắng (Bắc Giang), làng Ngũ Xá, Mai Lâm (Hà Nội)… vẫn đang thờ ngài với tư cách thành hoàng (tổ nghề) (1).
Cuốn Thiền uyển tập anh ngữ lục, bản in tháng tư năm Vĩnh Thịnh thứ 11(1715) ghi: “Thiền sư Dương Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, phủ Hải Thanh, mấy đời làm nghề câu cá, sau bỏ nghề ấy mà đi tu, thường hay đọc kinh Già la ni môn. Trong các năm Chương Thánh, Gia Khánh, đời Lý Thần Tông thường cùng đạo hữu ở ẩn đất Hà Trạch, quên cả thân mình, ngoài không đi đến đâu, trong thì tu thiền định. Bỗng thấy tâm thần tai mắt sáng sủa, có thể bay trên không, đi trên băng giá, bắt được hổ phải phục, bắt được rồng phải giáng, vô cùng quái đản người ta không sao lường biết được. Sau tìm về một ngôi chùa ở quận nhà mà ở… Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ mười thì tịch, môn nhân thu xác táng ở cửa chùa, Vua hạ chiếu cho mở rộng chùa này, quyên hai mươi hộ phụng hương hỏa”.
Trong cuốn Quốc sư bảo lục của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng ở làng Hành Thiện biên soạn vào cuối TK XIX có đoạn viết: “Không Lộ họ Dương… quán ở Hải Thanh… Không Lộ sinh năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ bảy (1016) đời Lý Thái Tổ… tịch năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong thứ ba (1904) đời Lý Nhân Tông”.
Sách Lĩnh nam chích quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú có chép: “Thiền sư Không Lộ chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh là người họ Dương ở Hải Thanh, mấy đời làm nghề đánh cá, bỏ nghề ấy đi tu, thường hay đọc kinh Già la ni môn… Sau tìm về một ngôi chùa ở quận nhà mà ở… Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ mười thì chết; môn nhân thu xác táng ở cửa chùa. Vua hạ chiếu cho sửa rộng chùa này, quyên hai mươi hộ phụng hương hỏa” (2).
 
Ngoài ra, cuốn Không Lộ thiền sư ký ngữ lục bằng chữ Hán, không rõ tác giả và viết từ thời nào, hiện đang lưu giữ tại chùa Keo làng Dũng Nhuệ chép: “Vị thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang tại Hải Thanh, là người Hải Thanh, họ Dương, húy là Minh Không thiền sư, theo nghiệp nhà làm nghề chài lưới… Về sau sư bỏ nghề đi tu theo phái Đà La Môn. Năm Chương Thánh Gia Khánh thứ nhất (1059), sư cùng bạn là Giác Hải ra ngoài nước. Lúc đầu sư theo học cư sĩ Bảo Tài Ngô Xá rồi sau theo học thiền sư Thảo Đường và đắc đạo. Thiền sư Thảo Đường truyền thụ cho giáo lý của phái Tuyết Đậu Minh Giác”.
Về tư liệu bia ký còn hai tấm bia có nhắc đến việc phụng thờ thiền sư. Bia thứ nhất ở trước tòa Phụ Quốc ở chùa Keo làng Dũng Nhuệ hình vuông, bốn mặt đều khắc niên hiệu Chính Hòa thứ mười (1689) ghi: “Chùa này thờ ông Không Lộ rất linh thiêng, được vua nhà Lý cấp ruộng đất ngàn mẫu”. Tấm bia thứ hai lưu giữ tại chùa La Vân có nhắc đến vị thiền sư Dương Không Lộ được dựng vào năm Đức Long thứ năm (1633).
Về sau, thiền sư tìm về một ngôi chùa ở quê nhà trụ trì và truyền bá giáo lý Phật giáo và tịch ngày 3-6 năm Nhâm Tuất (1094) đời vua Lý Nhân Tông. Thiền sư Không Lộ được nhân dân thờ phụng với tư cách là sư tổ sáng lập nên hai ngôi chùa nổi tiếng ở vùng châu thổ Bắc Bộ là chùa Keo làng Hành Thiện (Nam Định) và chùa Keo làng Dũng Nhuệ (Thái Bình). Vùng này còn lưu truyền sự tích thiền sư Không Lộ có công đánh giặc, diệt thủy quái, là người dạy dân nghề đánh cá, trồng lúa, nghề đúc đồng, đan lát. Thiền sư đã từng sang Trung Quốc quyên đồng về đúc tứ đại khí của nước Đại Việt xưa, xây dựng chùa Keo và đúc chuông chùa Keo. ảnh hưởng của thiền sư lan rộng khắp vùng châu thổ sông Hồng, không chỉ dân vùng Sơn Nam hạ (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) thờ ngài là tổ nghề, thành hoàng làng mà dân làng Ngũ Xã (Gia Lâm, Hà Nội), Đức Thắng (Bắc Giang), Ninh Giang (Hải Dương) hiện vẫn thờ phụng thiền sư với tư cách thành hoàng, tổ nghề.
Chùa Keo, còn gọi là Thần Quang tự, thờ thiền sư Không Lộ, tọa lạc trên một mảnh đất rộng chừng năm mẫu (khoảng 2ha) thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chùa quay hướng nam, ba mặt giáp sông, đó là các con sông Đồng Lê, sông Ninh Cơ, sông Hồng, địa thế thoáng đãng, rộng rãi. Địa thế khu chùa rất đẹp, hẳn khi dựng chùa người xưa đã chọn lựa kỹ càng như bài minh trên bia Thần Quang tự đại pháp sư bi đã ghi: “chùa Thần Quang, xã Hành Cung, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường là nơi vượng khí trời Nam, danh lam nước Việt. Núi cao chót vót nghìn hàng như dáng hùng dáng hổ, dòng ngân nước uốn mênh mông, khúc lượn quanh co cuồn cuộn, anh linh do kiền khôn chung đúc, tu luyện thành tiên thành phật”.
Phía trước chùa có hồ nước trong xanh, soi bóng tháp chuông uy nghiêm, thơ mộng, phía Đông là biển, sông Hồng ở phía bắc, phía nam sông Ninh Cơ bao bọc. Theo quan niệm phong thủy xưa thì vùng đất này có thế tay ngai tiện cho việc dựng chùa chiền, lâu đài, thành quách.
Chùa Keo có phong cách thờ tự tiền phật hậu thánh, được xây dựng kiểu nội công, ngoại quốc, có quy mô lớn ở bao gồm: nghi môn, gác chuông, chùa thờ phật, đền thờ thánh, tả hữu vu, nhà tổ, nhà oản, nhà để đồ… được xây dựng đối xứng qua trục thiêng, tổng cộng 121 gian (có nơi còn gọi là chùa trăm gian). Chùa nằm trong một không gian thiêng thờ thiền sư Dương Không Lộ vùng Nam Định, Thái Bình với các công trình kiến trúc đều có tên là Keo. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, địa thế cao ráo, theo thuyết phong thủy thì đây là vị trí đắc địa vì là nơi ngự của vị thánh có vai trò quan trọng nhất trong đời sống tâm linh người dân làng Hành Thiện. Chùa quay hướng Nam mang dương tính, gắn với điều thiện và hạnh phúc, là hướng của trí tuệ và bát nhã, phía trước chùa là con sông Đồng Lê mang tư cách một dòng chi huyền thủy khẳng định sự tụ linh, tụ phúc của khu đất này; đồng thời lại nối với sông Ninh Cơ (một nhánh của sông Hồng chảy qua mặt chùa phía xa xa) cùng với sự quanh co, uốn lượn của nó như tạo thành đàn rồng rắn chầu về, như để biểu hiện sự quy phục Phật pháp và thánh Dương Không Lộ (3).
Niên đại của chùa Keo thuộc thời Lê, điều này có thể khẳng định qua tư liệu bia ký hoặc căn cứ vào phong cách thờ tự, trang trí, điêu khắc tại chùa với hệ thống hoành tròn đặc trưng, hình chạm nổi các văn mây, đao hỏa, kiếm lửa tại tam quan, chùa, đền cùng các di vật đồ thờ tiêu biểu khác.
Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc sau: nghi môn – tam quan (kiêm gác chuông) – khu thờ phật – khu thờ thánh – hậu đường – hai dãy nhà dọc (hành lang/tả hữu vu). Đại diện cho mặt bằng này có thể kể đến chùa Bối Khê, chùa Trăm gian, chùa Keo Nam Định…
Trong mặt bằng kiến trúc này, ta thấy sự có mặt của một số công trình vốn không xuất hiện ở các chùa thông thường như nghi môn, điện thánh và tả hữu vu. Ngoài ra, trước TK XIX, tất cả những chùa tiền phật hậu thánh đều không có sự tồn tại của những vườn tháp mang tư cách mộ sư (vì dạng chùa này vốn không có sư)… Đây là những kiến trúc thể hiện rõ nét riêng biệt của chùa tiền phật hậu thánh so với các dạng chùa khác ở nước ta (4). Lớp cửa ngoài cùng của ngôi chùa là nghi môn (một số tài liệu cho rằng là tam quan ngoại) bởi lẽ cổng ngoài chức năng để vào, ra còn thể hiện ý nghĩa triết học sâu sắc. Tam quan gồm không quan, giả quan và trung quan… Sau tam quan là nhất chính đạo, tượng trưng bằng con đường duy nhất dẫn tới Phật đài (5). Như vậy, chùa Việt chỉ có thể có một tam quan, sau tam quan các công trình kiến trúc phải nằm đối xứng qua trục trung tâm. Công trình kiến trúc bên ngoài tam quan là nghi môn, tức là cửa nghi lễ; nó không mang ý nghĩa triết học như tam quan. Bên cạnh đó, tả vu, hữu vu chùa Keo được xây dựng vượt lên trước tòa tiền đường chùa Phật, nối liền với tam quan. Chính điều này đã thể hiện sâu sắc tính chất chùa kiêm đền thờ của chùa Keo.
Đền thờ thánh không được xây dựng ở một không gian riêng mà được xây cùng với chùa thờ Phật, vì vậy dễ dàng nhận diện được hai mặt văn hóa tâm linh Phật giáo và tín ngưỡng dân gian dung hòa, bổ sung cho nhau. Đền thờ thánh được xây dựng phía sau chùa Phật. Theo kiến trúc dân gian truyền thống, những công trình được xây phía sau có ý nghĩa linh thiêng, quan trọng hơn các công trình phía trước. Bên cạnh đó, nghi môn được xây dựng đơn giản, nổi bật hơn cả là bốn cột hoa biểu có kích thước khá lớn khiến liên tưởng đến các nghi môn ở các ngôi đền thông thường. Nghi môn lại nằm phía ngoài của tam quan, như vậy yếu tố thờ thánh ở đây đậm nét hơn thờ phật hay nói cách khác kiến trúc của chùa Keo mang yếu tố là một ngôi đền thờ thánh đậm nét hơn là một ngôi chùa phật.
Căn cứ vào đặc điểm chạm khắc và phong cách tượng thì hệ thống tượng phật ở chùa Keo có niên đại thời Mạc, có thể nói đây là các tượng gỗ sớm nhất còn lại tới ngày nay ở nước ta. Phật điện khá phong phú với đủ các tượng phản ánh quan niệm thế gian trụ trì Phật pháp – cách thờ phật phải có hình mẫu cụ thể để phật tử hướng vào. Từ đó mà khởi tâm thành, lòng thiện và tin theo (6). Thứ tự sắp xếp của các pho tượng trong chùa Keo không theo trật tự như một số ngôi chùa khác do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có gần như đầy đủ các vị tượng trên phật điện. Ngoài ra còn nhiều các di vật, đồ thờ tiêu biểu khác như khám thờ, nhang án thời Lê, kiệu gỗ, bát bửu, thuyền rồng, chuông, khánh bằng đồng, bia đá, sắc phong cùng nhiều di vật quý khác… trong đó tiêu biểu nhất là bộ tượng Kim Cương (Hộ Pháp) và bộ chấp kích bằng gỗ được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong số những di vật còn đầy đủ và có niên đại sớm nhất ở nước ta hiện nay.
Mặc dù đã trải quan nhiều lần tu sửa, có lần sửa chữa nhỏ, có lần sửa chữa lớn nhưng cho đến nay chùa vẫn giữ nguyên được những nét kiến trúc thời mới khởi dựng.

Dân làng Hành Thiện cho rằng theo thuyết phong thủy, ngôi chùa có ảnh hưởng rất lớn đến truyền thống của làng, do vậy từ xưa đến nay làng có nhiều người đỗ đạt, vinh hiển, là nơi có nhiều nhà khoa bảng bậc nhất ở miền Bắc. Truyền thống đó đến nay vẫn được các thế hệ làng Hành Thiện gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Do vậy nhân dân Hành Thiện vẫn giữ nguyên lòng kính trọng, tri ân vị thánh tổ của làng – thiền sư Dương Không Lộ. Chùa Keo cũng như lễ hội tại chùa Keo có vị trí rất thiêng liêng đối với dân vùng Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… nói chung và làng Hành Thiện nói riêng.
Theo truyền thống của dân làng Hành Thiện, lễ hội chùa Keo được tổ chức hai lần theo âm lịch để tưởng nhớ thiền sư Không Lộ. Lần thứ nhất là hội xuân, được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch, có tục nam mặc giả nữ vào tế, lễ. Hội chính được tổ chức vào tháng 9 âm lịch. Trước đây mở hội từ 2 đến 16-9, nhưng từ năm 1925, 1926 tới nay, đời sống nhân dân chật hẹp nên rút ngắn thời gian đi chỉ từ mùng 8 đến 16-9 âm lịch hàng năm (7). Trong những ngày diễn ra lễ hội, tổ chức các diễn xướng nghi lễ, tế, rước; các trò diễn, trò chơi dân gian để ôn lại sự tích của thiền sư Dương Không Lộ liên quan đến nghề sông nước cũng như diễn xướng các truyền thuyết đề cập đến công tích của ngài.
Nhân dân làng Hành Thiện hiện còn lưu truyền câu ca dao về lễ hội truyền thống để luôn luôn nhắc nhở cháu con nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên mình;

Dù ai ngang dọc tây đông
Ngày rằm tháng chín hội ông nhớ về
Dù ai bận rộn trăm nghề
Ngày rằm tháng chín nhớ về hội ông (8).
Lễ hội chùa Keo là dịp để dân làng Hành Thiện thể hiện lòng tự hào về một nhân vật lịch sử, một danh nhân, anh hùng sáng tạo văn hóa đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với quốc gia Đại Việt thời Lý; qua lễ hội dân làng tri ân vị thánh tổ, vị thành hoàng làng mình. Ngày nay, trước ngày tổ chức lễ hội chừng nửa tháng (khoảng từ 1-9) công việc được bắt đầu. Chùa được quét dọn sạch sẽ, phong quang, tượng thiền sư Dương Không Lộ cùng các nghi vật, nghi trượng, đồ thờ được lau chùi sạch sẽ, sắp xếp, sửa sang cẩn thận. Đèn nến được thắp sáng, khói hương nghi ngút lan tỏa khắp chùa. Hương, hoa, trà, oản quả được dâng lên. Càng đến gần ngày mở hội, không khí chuẩn bị càng trở nên khẩn trương, náo nhiệt, cờ hội được cắm suốt từ tam quan chùa, dọc làng Hành Thiện ra tận con sông đầu làng như thúc giục mọi người nhanh về dự hội càng làm cho không khí lễ hội trở nên khẩn trương, náo nhiệt. 25 lá cờ đại được dựng quanh làng làm nổi bật quang cảnh làng quê vào hội, kích thước mỗi lá cờ là 2,7 x 3,7m (xấp xỉ 10,70m2 kể dải cờ). Viền cờ và dải cờ có diềm hình lưỡi lửa. Hai mặt lá cờ một bên đề chữ Thánh cung vạn tuế, bên kia đề tên phe tham gia lễ hội. Trong khi cả làng đang chuẩn bị chu tất, các gia đình trong làng cũng sửa sang, quét dọn nhà cửa, may sắm quần áo đẹp, từ người già đến trẻ em, ai ai cũng náo nức mong chờ đến ngày chính hội.
Đến ngày 12-9, tất cả công việc đã được chuẩn bị chu tất để bước vào ngày hội với các nghi thức tế, lễ, diễn xướng, trò chơi truyền thống.
Do đặc điểm chùa Keo không có sư trụ trì tu hành, do vậy các công việc tế, lễ và thực hiện các nghi thức tôn giáo đều do các thày chùa đảm nhiệm (có tài liệu còn gọi là ông thống). Những thày chùa được dân làng tín nhiệm chọn, ngoài khả năng tổ chức, điều hành phải là người có uy tín trong dân, có tư cách đạo đức tốt, được mọi người nể trọng…
Vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu là những năm phải trang hoàng chùa và tượng thì công việc chuẩn bị cho lễ hội tiến hành sớm hơn, khoảng từ mùng 8,9. Ngoài việc sửa sang chùa, cảnh sạch đẹp, gọn gàng, thay áo cho tượng thiền sư Không Lộ, vào những năm hạn hán hoặc thời tiết thay đổi bất thường, dân làng Hành Thiện còn làm lễ tắm tượng.
Theo truyền thống, lễ rước kiệu trong lễ hội xung quanh làng Hành Thiện. Cuộc rước bắt đầu khoảng 7 giờ sáng. Đi đầu là thuyền rồng, tiếp theo là hương án, long đình, kiệu đựng thùng sắc chỉ vua ban, kiệu chính (không có bài vị), kiệu hờ. Tổng cộng năm cỗ kiệu. Từ sân chùa, đoàn rước qua cổng phía đông, theo lối đường làng đến miếu chợ thì dừng lại (hoặc vòng ra lối trước đình mới dừng lại). Sau khi đoàn bơi trải về, đoàn rước tiếp từ miếu chợ hoặc từ đình, diễu quanh hồ về chùa, nhập cổng tây (xuất đông nhập tây), khi về đến chùa là đã quá nửa buổi chiều. Lúc đoàn rước đi qua đầu các dong, các dong phía trước và phía sau đều bày hương án, nghi ngút khói hương và hoa quả, sản vật để bái vọng thiền sư. Đoàn rước đi trên đường làng thì dưới sông vẫn diễn ra các cuộc bơi trải tạo không khí rất sôi động.
Ngày nay, hành trình phụng nghinh được rút ngắn lại, không rước quanh làng mà rước quanh đường ngang và quanh hồ bán nguyệt trước gác chuông, song về cơ bản vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, do hành trình ngắn, thời gian rước cũng rút ngắn lại nhiều, chỉ chừng hai, ba giờ đồng hồ là kết thúc.
Ngoài các lễ vật thông thường như hương, đèn, hoa, trà, oản, quả thì lễ hội chùa Keo còn có lễ vật hết sức độc đáo, đó là bánh dày. Điểm độc đáo là mỗi cặp bánh dày rất lớn và trọng lượng lên đến 0,5 kg/ chiếc. Tiêu biểu nhất cho sự tích diễn xướng thi tài, giải trí ở lễ hội chùa Keo là hội bơi trải được tổ chức vào ngày 12 và chiều 15 mang ý nghĩa kỷ niệm quãng thời gian làm nghề chài lưới của thiền sư Không Lộ. Điểm độc đáo của bơi trải ở Hành Thiện là bơi trải đứng (người cầm chèo ở tư thế đứng), khiến tốc độ của trải lớn hơn nhiều so với tốc độ bơi của các trải khác.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, vào các buổi sáng chiều và tối, các trò chơi, cuộc đấu, hát xướng được diễn ra xen kẽ, đều khắp cho đến khi kết thúc lễ hội. Người xem vây kín thành từng đám, chỗ chọi gà chỗ chơi cờ, tổ tôm, rộn ràng khắp sân chùa.
Có thể nói lễ hội chùa Keo Hành Thiện đã kết hợp được các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại. Thông qua lễ hội, có thể thấy được sức sống mạnh mẽ của những phong tục tập quán và văn hóa làng.
Từ xa xưa thiền sư Dương Không Lộ đã trở thành nhân vật trung tâm của các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng mà những dấu tích về cuộc đời của đức thánh vẫn còn hiển lộ đến ngày nay. Biểu hiện sinh động của truyền thuyết về thiền sư là lễ hội truyền thống được tổ chức từ 10 đến 15-9 hàng năm, tái hiện và trình diễn các sự tích liên quan đến cuộc đời đức thánh tổ. Do đặc điểm thiền sư Không Lộ không có đồ đệ kế tục mang tính chất truyền thừa, nên việc phụng thờ thánh do những vị mang tính chất như ông thống, đảm nhiệm và là việc của tất cả những người dân sống trong phạm vi ảnh hưởng của thiền sư, coi thiền sư là thánh tổ. Qua lễ hội, chúng ta phần nào có thể hình dung được sự thật lịch sử xung quanh nhân vật huyền thoại đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian qua bao lớp sương mù của thời gian và khói hương nghi lễ. Qua đó chúng ta có thể hiểu được vai trò của Phật giáo đối với vương triều nhà Lý và phục dựng nhân cách văn hóa tiêu biểu thời Lý; thời mà Phật giáo đóng vai trò là quốc giáo mà thiền sư Dương Không Lộ là một nhân cách văn hóa tiêu biểu của thời kỳ này.
_______________
1. Chu Huy, Về nhân thân hai vị Quốc sư thời Lý, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không, Văn hóa nghệ thuật số 8-2006, tr.71.
2. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn học, Hà Nội, 1990.
3, 4. Phạm Thị Thu Hương, Những ngôi chùa tiền phật hậu thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Thông tin, 2007.
5. Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.116.
6. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.394.
7. Ty Văn hóa Nam Định, Hồ sơ di tích chùa Keo Hành Thiện, 1956.
8. Hội ông là tên gọi dân gian lễ hội chùa Keo.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012
Tác giả: Khúc Mạnh Kiên


Xem tiếp


 

Khách ghé thăm

Flag Counter

Tìm kiếm trên sexanh.com

© 2010. Góp ý bài viết: comment trên trang Sẻ Xanh.com. Góp ý khác gửi mail cho Sẻ Xanh